Nem chua là một món ăn rất thường gặp trong các bữa tiệc tùng, đám cưới, đám giỗ của mỗi gia đình và có cả trong những đám liên hoan tập thể, sinh nhật ở các nhà hàng sang trọng. Tùy vào sở thích và suất ăn mà món nem chua được trình bày trên bàn ăn là loại nem chiếc hay nem cây. Nhưng có một đặc sản của Bình Định mà người dân xứ Nẫu rất muốn du khách thập phương khi đến đây hãy một lần thưởng thức đó là Nem chua cây Bình Định.
1. Nguyên liệu làm nem chua cây Bình Định
Nguyên liệu để làm nem chua, từ nem chiếc cho đến nem cây rất dễ tìm ở mọi nơi. Tiện nhất là tại các chợ dân sinh ở Bình Định. Cụ thể:
- Thịt heo loại thịt nạc (còn nóng) để nem có độ dẻo khi thành phẩm
- Da heo
- Tiêu hột, tiêu bột
- Tỏi băm nhuyễn
- Ớt xay nhuyễn và ớt xắt lát
- Lá chuối, lá ổi hoặc lá chùm ruột non
- Dây nilon hoặc lạt chẻ nhỏ
- Những miếng nilon có chiều dài lớn hơn chiều dài cây nem để còn gấp 2 đầu và chiều rộng đủ để quấn nem bên trong
- Muối, đường, bột ngọt, bột nêm
- Thính gạo hoặc không tùy sở thích
2. Cách làm nem chua Bình Định
Để làm được món nem chua Bình Định (loại chiếc hay loại cây) thì đều có chung công thức, chỉ khác nhau ở chỗ, nem chiếc thì khối lượng nhỏ hơn nem cây rất nhiều. Thành phẩm chỉ là một chiếc nem hình vuông bằng 2 ngón tay, cách gói khác nhau nhưng đơn giản hơn còn nem chua cây thì khi thành phẩm trông giống ½ đòn bánh tét về chiều dài còn đường kính tương tự như chả bò, chả lụa.
Chuẩn bị:
Trước tiên, người làm nem chua, phải chọn cho được thịt heo tươi, mới ra lò. Da heo cũng phải chọn chỗ giòn, nguyên miếng. Các loại gia vị như muối, đường, bột ngọt, hạt tiêu đập dập, tỏi xắt lát, ớt xắt nhỏ là không thể thiếu. Lá ổi, lá chuối đều được rửa sạch và để ráo.
Thực hiện:
Thịt heo lấy hết phần gân và mỡ. Sau đó đem xay nhuyễn hoặc có thể giã bằng tay rồi ướp chút muối. Da heo rửa sạch, luộc chín, cạo sạch lông còn sót, bỏ hết phần mỡ bám vào da rồi xắt sợi nhỏ sau đó đem trộn với thịt vừa xay, cho thêm các loại gia vị đã chuẩn bị cùng một ít thính gạo và đem quết thật nhuyễn.
Tiếp theo hãy trải lá chuối ra mâm. Trên là lớp nilon và cho nem đã trộn vào tiến hành gói như gói bánh tét. Cần trộn đều các loại gia vị. Và rắc tiêu hột sao cho thành phẩm nem chua tiêu hột rải rác chứ không được chỗ quá nhiều, chỗ không có.
Nên lưu ý cần đến 4-5 lớp lá chuối được gói bên ngoài một cách cẩn thận. Nhớ phải buộc dây thun cho nem giữ nguyên hình dáng lúc đầu mà không bị xô lệch. Khi nem chín thì cây nem mới đẹp và đều như cây bánh tét.
Thưởng thức:
Chỉ từ 3-5 ngày là nem chín và có thể thưởng thức. Với nem chiếc thì lấy lá chuối cắt sẵn to bằng bàn tay, cần nhiều lớp và chiều dài khoảng 20cm bên trong có lớp nilon cắt nhỏ cỡ lòng bàn tay.
Cho nem vào gói nilon trước. Gói lá chuối sau sao cho nem có hình chữ nhật, vuông cạnh, sắc cạnh dày khoảng 2cm. Lớp lá chuối bên ngoài quấn nhiều vòng xung quanh chiếc nem theo một chiều. Sau 2-3 ngày là nem chín.
3. Nem chua thường ăn với rau gì?
Nem chua rất dễ ăn, có thể ăn chung với các loại lá có vị chát như lá ổi, lá chùm ruột, lá đinh lăng, lá sung. Chính vì vậy mà bên trong cùng của nhiều lớp gói, phần tiếp xúc trực tiếp với thịt sống đã gia vị tạo thành nem thường là các loại lá này. Sở dĩ thường ăn với những loại lá có vị chát là để trung hòa vị chua và tránh bị đau bụng đối với những người bị lạnh bụng. Cũng có khi được ăn với các loại rau thơm, tùy sở thích của mỗi người.
4. Cách bảo quản nem chua lâu hư
Cách bảo quản tốt nhất là sau khi nem chín (đã đủ độ chua) thì cho nem còn nguyên lá, (chưa bóc bỏ lá) vào trong ngăn mát tủ lạnh. Với cách bảo quản này có thể để được từ 7-10 ngày kể từ sau khi nem chín. Hoặc có thể nướng chín trên bếp than hay bếp điện, lò nướng…..rồi ăn ngay hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản tiếp. Với nem chua đã nướng chín thì chỉ có thể để được trong vòng 1-2 ngày thôi.
- NEM LỤI BỌC SẢ – Bình Định Foody
- Nem Chua Cây Bình Định 500gr – Bình Định Foody
- NEM BỌC TRỨNG CÚT – Bình Định Foody